TTO - Hôm qua (7-1), trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an - cho biết tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt đã khai nhận như vậy về các hợp đồng bán kit xét nghiệm COVID-19.
Ông Tô Ân Xô cho hay tại cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt đã thừa nhận hành vi "bắt tay" với những người có trách nhiệm tại nhiều địa phương để thông đồng thực hiện nâng khống giá kit xét nghiệm. Ông Việt cũng khai nhận đã "lại quả" số tiền cực lớn cho nhiều người.
Nâng khống khoảng 45%
Ông Việt khai đã móc ngoặc với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi "hoa hồng" cho các đối tác khoảng 800 tỉ đồng. Kết quả điều tra đến nay xác định doanh thu bán kit xét nghiệm cho các tỉnh thành gần 4.000 tỉ đồng và riêng Công ty Việt Á thu về trong vụ này trên 500 tỉ đồng.
"Hiện nay Bộ Công an rất tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đối với vụ án nhằm ngăn chặn và loại bỏ "biến thể Việt Á" trong tương lai" - ông Xô nhấn mạnh.
Cũng theo ông Xô, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố 19 bị can về các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "đưa hối lộ, nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". C03 đã kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỉ đồng, 100.000 USD và tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỉ đồng do một số cá nhân có liên quan tự nguyện giao nộp.
Đáng chú ý, cơ quan điều tra cho rằng có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu và chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ Khoa học và công nghệ, trong đó ông Trịnh Thanh Hùng - phó vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật - là người có liên quan.
Kết quả điều tra cũng cho thấy việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế có sai phạm. Việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế cũng có dấu hiệu sai phạm đang được C03 làm rõ. Những quan chức của bộ này có trách nhiệm trực tiếp là vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính Nguyễn Nam Liên và nguyên vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn.
Cơ quan điều tra cho biết đang tiếp tục mở rộng, điều tra triệt để các khía cạnh của vụ án và xử lý nghiêm trách nhiệm của những người liên quan theo đúng tinh thần "không có vùng cấm".
Bộ Y tế báo cáo gì về vụ Việt Á?
Trong báo cáo mới gửi Quốc hội về vụ Việt Á, Bộ Y tế cho biết đầu năm 2020, trong bối cảnh thiếu hụt sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Khoa học và công nghệ đã phối hợp với các đơn vị triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, trong đó có việc chế tạo bộ sinh phẩm PCR do Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp.
Đề tài đã được đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 vào ngày 3-3-2020 và Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chẩn đoán đã cấp đăng ký lưu hành. Sau đó, Bộ Y tế đã cấp số đăng ký lưu hành tạm thời 6 tháng cho sản phẩm vào tuần đầu tháng 3-2020.
Cũng theo Bộ Y tế, sau khi được cấp phép tạm thời, Công ty Việt Á tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị đăng ký lưu hành chính thức. "Căn cứ ý kiến của 3 nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ pháp lý, chất lượng và hiệu quả chẩn đoán, Hội đồng tư vấn đã họp và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Ngày 4-12-2020, Bộ Y tế đã có quyết định 5071 cấp số lưu hành 2 bộ xét nghiệm, trong đó có bộ của Việt Á" - báo cáo viết.
Cấp phép trước, nghiệm thu sau
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, trước khi cấp phép - cả cấp phép tạm thời và cấp phép dài hạn cho sản phẩm - phải có khâu nghiệm thu đề tài nghiên cứu, có cơ quan thẩm định đánh giá chất lượng. Trong khi với bộ xét nghiệm Việt Á thì mãi đến cuối tháng 12-2021 Học viện Quân y (đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu sản phẩm) mới nghiệm thu đề tài.
"Việc này có thể xem xét lại trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng nếu châm chước điểm nào đó thì châm chước khi cấp phép tạm thời, nhu cầu xét nghiệm tăng cao, còn thời điểm cuối năm 2020 thì thị trường đã có nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm" - chuyên gia này nêu ý kiến.
Về hiệp thương giá kit xét nghiệm Việt Á, theo một chuyên gia là nhằm xây dựng một mức giá để "giới thiệu cho các đơn vị, tỉnh thành mua". Bộ Y tế đã có một tổ chuyên gia đánh giá mức giá mà Việt Á đệ trình. Tổ này thẩm định xem giá điện nước, nhân công, nguyên vật liệu, các chi phí cấu thành. "Giống như mình đi chợ thấy giá cao quá thì đời nào mình chấp nhận" - vị chuyên gia cho biết.