Hội An phố cổ nhà xưa
Thời gian nhuộm nắng tắm mưa bao đời
Lớn lên từ tiếng ra hời
Ngấm trong cay đắng ấm lời mẹ ru...
Tôi vốn là dân quê làng biển. Thuở nhỏ mỗi lần lên phố Hội không có ấn tượng gì nhiều. Phố bé tẹo, buồn vu vơ, nhà nhỏ xíu, trầm mặc. Những lần sau đó, tôi dần được cảm hóa và mê hoặc nên yêu Hội An lúc nào chẳng rõ.
Chỉ biết mỗi lần đến thăm Hội An là phát hiện thêm những nét duyên thầm lặng, tinh tế. So với nhiều nơi, nhiều nước mới hay rằng “Hội An là phố cổ đẹp nhất”, bởi hồn quê – tình người. Không hoành tráng đồ sộ như các phố cổ Trung Quốc. Cũng không nguy nga tráng lệ như những phố cổ châu Âu. Càng không giống phố cổ các nước ASEAN, Hội An “nhỏ nhưng có võ” và không lẫn vào đâu được.
Hội An là phố cổ lạ lùng, đậm đặc chất Quảng Nam. Trải bao bể dâu, thăng trầm cùng lịch sử, Hội An vẫn tồn tại và phát triển, thách thức thời gian. Hội An là điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống đặc trưng của Đông Nam Á, được bảo tồn khá nguyên vẹn và chu đáo. Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ giao thương giữa thuyền buôn các nước Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu. Tên gọi Hội An xuất hiện từ thế kỷ 16, còn người châu Âu quen gọi là Faifo, có lẽ do đọc trệch chữ Hoài Phố, bởi Hội An ở ngay cạnh hạ lưu sông Thu Bồn, còn gọi là sông Hoài. Các di tích khảo cổ khẳng định, Hội An ngày nay từng tồn tại song hành văn hóa Sa Huỳnh và Chăm Pa.
Đầu thế kỷ 17, dù nội chiến Nam - Bắc ác liệt, chúa Nguyễn ở Đàng Trong, với tầm nhìn xa trông rộng đã cho phép hình thành các “đặc khu kinh tế” dành cho người nước ngoài mà khu phố Nhật Bản dọc bờ sông Hoài ở Hội An là tiên phong. Mối quan hệ giao thương cực thịnh Việt - Nhật gắn liền với tên tuổi các Mạc phủ Toyotomi, Tokugawa và mối nhân duyên giữa công nữ Ngọc Hoa và thương gia Araki Sotaro. Ngọc Hoa là công nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, em của Ngọc Vạn (lấy vua Chân Lạp - Campuchia hiện nay - là Chey Chetta II vào năm 1620) và Ngọc Khoa (lấy vua Chiêm Thành Po Rome vào năm 1631).
Người Hoa có mặt ở Hội An sớm hơn nhưng đến giữa thế kỷ 17, khu phố Đại Đường của người Hoa mới hình thành. Họ là những người Trung Quốc vượt biên trong phong trào “Bài Thanh, phục Minh”, được chúa Nguyễn cưu mang và cho phép định cư lâu dài ở Hội An. Dần dà vai trò người Hoa lấn lướt người Nhật. Ngoài ra còn có một số người châu Âu và các nước Đông Nam Á.
Khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, Đàng Trong loạn lạc, người Hoa di cư vào Nam, Hội An hoang tàn đổ nát, hồn xưa phố cũ phôi phai. Cùng với chính sách ngu muội “bế quan tỏa cảng” của nhà Nguyễn, cửa sông Hoài và các phụ lưu bị bồi lấp nên tàu thuyền lớn không thể ghé cảng, Hội An ngày càng suy thoái, dù phố thị được mở rộng và việc buôn bán vẫn nhộn nhịp. Khi người Pháp có mặt ở Việt Nam, Hội An cố gượng dậy.
Nhiều ngôi nhà cổ được sửa sang, bên cạnh những kiến trúc mới mang dáng dấp châu Âu. Từ 1945 - 1975, dù chiến tranh ác liệt, Hội An, thủ phủ Quảng Nam vẫn bán buôn tấp nập, được bom đạn ngó lơ. Sau 1975, nhiều đô thị ở miền Nam bị lãng quên hoặc biến dạng. Rất may, Hội An là ngoại lệ, không bị xóa sổ bởi “sự dốt nát chân thật” (nhà thơ Việt Phương). Khi bình minh đổi mới bắt đầu ló dạng, Hội An trở thành điểm sáng về bảo tồn. Như công chúa ngủ quên trong rừng già, chợt thức giấc và biết mình đẹp, được mọi người xưng tụng. Hồn xưa phố cổ hồi sinh, Hội An dần lấy lại phong độ, chân quê mà phồn vinh, lịch lãm; trở thành tuyến điểm du lịch hấp dẫn.
Đặc trưng kiến trúc của Hội An là phố xinh dù nhà nhỏ, đường hẹp. Nhà thường hình ống, một đến hai tầng, 2 - 5 gian, kết cấu khung gỗ quý, tường gạch chịu nước với 3 chức năng là buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng. Giữa nhà chính và nhà phụ có sân trời lát đá, bể nước, non bộ, cây cảnh. Không gian thờ cúng chiếm diện tích nhỏ nhưng quan trọng, thường được đặt ở gác lửng hoặc tầng 2. Ngói lợp nhà làm bằng đất nung, mỏng, thô, bền, có hình vuông dạng cong, mỗi cạnh hơn 2 tấc. Khi lợp, từng hàng sấp ngửa, kiểu âm dương, cố định thêm bằng vữa, tạo nên vẻ thanh tú mà cứng cáp. Khu phố cổ, rộng chừng 2 km2 nhưng có đủ kiến trúc của một thương cảng hưng thịnh xa xưa. Từ nhà cổ đến bến thuyền, giếng nước, chùa chiền, nhà thờ tộc, thương điếm, hội quán, cầu cống... Di sản thế giới Hội An có 1.360 di tích cổ gồm 1.068 nhà, 11 giếng nước, 19 chùa, 38 nhà thờ tộc, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ và một chùa cầu. Kiến trúc Hội An tổng hòa văn hóa của các nước từng giao thương mà chủ đạo vẫn là bản sắc Việt Nam. Mỗi công trình là một chứng nhân, một bảo tàng sống động về lịch sử phát triển của Hội An.
Đến Hội An , tôi thích một mình lang thang, độc thoại với phố cổ. Lắng nghe âm thanh của hồn xưa vọng về trong tĩnh lặng khuya vắng. Những đêm trăng là tuyệt nhất. Những ngọn đèn dầu lung linh, những ngọn nến thấp thỏm, những chiếc đèn lồng hư ảo như đang thì thầm kể chuyện xa xưa. Chậm rãi bước trên những lối nhỏ, lênh láng vàng trăng, nghe rêu phong tự tình bao việc bể dâu. Cả những cây cỏ trèo lên mái nhà nghịch ngợm, cũng phảng phất hoài niệm buồn vui thế cuộc.
Từng góc phố, từng mái hiên đến từng ngõ giếng đều ghi dấu người xưa. Lần nào tôi cũng ghé Chùa Cầu, một kiến trúc nhỏ xinh mà độc đáo. Nhìn xuống dòng sông Hoài cạn kiệt, uể oải chuyển mình, nghe như nỗi niềm tiếc nuối một thời liệt oanh trai trẻ. Lần nào tôi cũng xoa đầu chú khỉ và chú chó; bao đời nay, mặc nắng mưa và cả lũ lụt, vẫn nhẫn nại ngồi 2 bên cầu đón khách qua lại. Nhiều truyền truyết về lai lịch 2 bức tượng, chẳng biết đúng sai thế nào. Mấy lần hỏi trực tiếp, tượng cũng không trả lời, nhất quyết “Sống để bụng, chết mang theo” chứ không khai báo.
Hội An, xưa trai trẻ nên xô bồ phố thị, nay chững chạc nên lịch lãm kiệm lời. Đến Hội An phải sống chậm mới cảm được hồn quê phố cổ, bình dị mà sâu lắng. Du khách đến Hội An không sợ nạn ăn xin và bán hàng rong đeo bám. Cứ tha hồ và thoải mái khám phá sự đa dạng đối lập về văn hóa, vừa tổng hòa, vừa bản sắc. Người Hội An hiếu khách, môi trường thân thiện, an ninh xã hội là điểm sáng mà ngành du lịch Vệt Nam cần nhân rộng. Phụ nữ nước ngoài thích mua nón lá, đặt may áo dài lấy liền, chọn đèn lồng và cả mấy con tò he ngộ nghĩnh, lạ mắt. Đàn ông thì thích tìm mua guốc gỗ, dép chiếu, tranh ảnh nghệ thuật, hàng thủ công, cravat... Khoái nhất là thưởng thức ẩm thực phố cổ, cầu kỳ mà bình dân, giản đơn mà phức tạp. Dân phố cổ kỹ tính, sành điệu nên ăn uống phải đúng bài. Cao lầu ngon nhờ chế biến công phu. Từ gạo, nước ngâm, củi đến nước xíu, thịt xíu, tép mỡ, da heo sữa chiên giòn, rau giá... đều khác biệt. Gạo, phải là gạo thơm Hội An thứ thiệt. Củi để nấu và lấy tro ngâm gạo phải là củi tràm lấy từ Cù Lao Chàm. Nước để ngâm gạo phải lấy từ giếng Bá Lễ, cả ngàn năm tuổi. Các loại rau thơm, giá, ớt xanh phải của vùng Trà Quế. Phải là người Hội An nấu và nêm nếm thì mới phê. Các món hến trộn, bánh vạc, mì Quảng... cũng không kém phần cầu kỳ và lạ miệng.
Tháng 2 - 4 là mùa lý tưởng nhất ở Hội An. Tôi đã nhiều lần đề nghị miễn vé tham quan phố cổ như các nước đang làm. Bởi phố cổ là không gian chung. Khách vào phố cổ mua sắm, ăn uống, sử dụng các dịch vụ... tiền lời gấp mấy chục lần bán vé. Miễn vé, vừa khuyến mãi hiếu khách, vừa đỡ mất công quản lý thu, chi, kiểm soát. Các nước đều làm vậy, kể cả những phố cổ có hàng rào như Đại Lý và Lệ Giang, Trung Quốc.
Chẳng sợ phố cổ xuống cấp. Nếu dân không có tiền sửa chữa, nhà nước sẽ góp vốn hoặc mua lại. Chắc chẳng ai muốn chuyện đó. Nghe tôi giới thiệu về lịch sử Hội An, có du khách nước ngoài thắc mắc “Phố cổ quá tuyệt vời. Sao tên đường toàn những người chẳng ăn nhập gì với Hội An cả”. Ừ nhỉ, nếu có quyền, tôi sẽ đặt lại toàn bộ tên đường. Phải có đường Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thị Ngọc Hoa...
Rồi những người Nhật, người Hoa, người Pháp... và người Việt có công phát triển Hội An như Nguyễn Sự. Dứt khoát phải có tên đường Kazimier Kwiatkowski, kiến trúc sư Ba Lan, người yêu Hội An hơn nhiều người Việt... Tôi cũng rất lo cho Hội An vì sự “xâm lăng” ồ ạt của “hàng nơi khác, mác Hội An”, kể cả hàng Trung Quốc. Sợ hồn xưa phố cổ sẽ nhạt nhòa.
Tác giả: Lê Văn Siêng
(Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2296708930566782&set=gm.769417863451906&type=3&theater&ifg=1)